Cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng độc lập tại Việt Nam nên yên tâm, không có chuyện cứ thu 100 lại bị đánh thuế 35.
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế: Sẵn sàng hỗ trợ “cha đẻ” Flappy Bird
- Flappy Bird - từ lúc khai sinh đến khi...khai tử
- Vì sao trò chơi "Flappy Bird" phải dừng lại?
Nguyễn Hà Đông, tác giả của game Flappy Bird, sẽ chỉ cần nộp khoảng hơn 4 đồng tiền thuế trên tổng thu nhập 100 đồng từ quảng cáo. Như vậy, thuế suất thực tế của Hà Đông chỉ là hơn 4%, thấp hơn rất nhiều so với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (21%), cũng như thuế suất thuế thu nhập cá nhân cao nhất (35%). Mức này tương đương với thuế suất thực tế của một người lao động với thu nhập khoảng 23 triệu đồng/tháng.
Thuế suất thực tế của Hà Đông là hơn 4%, tương đương với mức một người lao động với thu nhập 23 triệu đồng/tháng phải chịu.
Quan trọng hơn, thông tin về phương thức tính thuế rất ưu đãi đối với các trường hợp tương tự như Hà Đông chắc chắn sẽ làm cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng độc lập tại Việt Nam yên lòng trước “lời đồn” sẽ bị truy thu tới một phần ba tổng thu nhập từ các game và ứng dụng tải lên Apple và Google Store.
Bên cạnh đó, thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng khi đối tượng nộp thuế thực nhận thu nhập. Do đó, nếu tiền chưa chuyển vào tài khoản của Hà Đông thì nghĩa vụ thuế chưa phát sinh, chẳng can cớ gì mà một tờ báo lại hô hoán lên rằng “Hà Đông sẽ bịtruy thu thuế” cả.
100 đồng, chỉ cần nộp thuế 4 đồng
Điểm then chốt nhất là, theo quy định về thuế, tiền quảng cáo Hà Đông kiếm được từ Google được coi là “thu nhập từ kinh doanh”, và bản thân Hà Đông được coi là “cá nhân kinh doanh chỉ hạch toán được doanh thu, không hạch toán được chi phí” (có lẽ việc xác định doanh thu khá đơn giản, dựa trên số liệu từ Google).
Do đó, Hà Đông sẽ không bị đánh thuế trên toàn bộ tổng thu nhập 100 đồng, mà chỉ phải chịu thuế trên một phần rất nhỏ là 12% (tỷ lệ dành cho ‘hoạt động kinh doanh khác’), cụ thể là (giả định thu nhập khác không đáng kể):
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu * Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định + Thu nhập khác
= 100 đồng * 12% + 0 = 12 đồng
Với mức thu nhập cao như vậy, các loại giảm trừ bản thân, người phụ thuộc, bảo hiểm, tiền lương khác, hay biểu thuế lũy tiến không ảnh hưởng trọng yếu đến số thuế phải nộp. Do đó, để dễ hình dung, chúng ta cứ nhân mức thu nhập chịu thuế nói trên với mức thuế suất thuế TNCN cao nhất 35% sẽ được số thuế phải nộp hơn 4 đồng.
Kể cả sau này cơ quan thuế cho rằng cách kiếm tiền của Hà Đông nên được coi là “dịch vụ”, và sử dụng tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định 30%, thì số thuế phải nộp cũng chỉ là 10 đồng, tức thu về 10 đồng cần nộp thuế 1 đồng. Cũng phải nói thêm, hiện chưa có hướng dẫn chính sách thuế cụ thể cho tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định trong trường hợp này.
Như vậy, nhận định Hà Đông cứ phải nộp thuế tới 1/3 thu nhập là hoàn toàn sai lầm.
Yên lòng cộng đồng phát triển ứng dụng độc lập
Phương pháp xác định thu nhập chịu thuế kể trên có rất nhiều ý nghĩa với cộng đồng phát triển game độc lập. Hóa ra, họ đang được luật thuế hiện hành ưu đãi lớn.
Hãy tưởng tượng một lập trình viên có thu nhập từ AppStore lên tới 75 triệu đồng mỗi tháng có thể chẳng phải nộp một đồng thuế nào (giả định không có thu nhập từ các nguồn khác). Vì sao vậy?
Lý do là nếu sử dụng tỷ lệ ấn định chỉ 12%, tính ra lập trình viên này mỗi tháng chỉ có 9 triệu đồng thu nhập chịu thuế, lại trừ luôn với 9 triệu đồng giảm trừ bản thân. Vậy là chẳng phát sinh thu nhập tính thuế và chẳng phải nộp đồng thuế nào.
Kể cả trường hợp bị áp tỷ lệ ấn định cao nhất là 30%, thì số thuế phải nộp cũng sẽ ở mức vừa phải so với tổng thu nhập (thu 100 đồng, chỉ nộp chưa tới 2 đồng). Những án truy thu thuế hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng là cộng đồng phát triển ứng dụng độc lập đang lo sợ, là không có cơ sở.
Những lo ngại về việc Việt Nam thu thuế quá nhiều với sản phẩm công nghệ và như những bình luận về thu nhập không phải của mình, nên khép lại ở đây.
Theo Minh Tuấn
Theo Trí Thức Trẻ/CafeBiz
Nguồn : http://cafef.vn/doanh-nghiep/cong-dong-phat-trien-game-viet-co-bi-truy-thu-thue-2014021323071356016ca36.chn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét